Báo cáo của Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội KTS Việt Nam có nhấn mạnh: “Kiến trúc thế giới và khu vực đang chuyển sang một thời đại của công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng với các Kiến trúc sinh thái – Kiến trúc xanh”.
Định hướng cơ bản trong hoạt động của Hội KTS Việt Nam nhiệm kỳ tới là: “bằng mọi nỗ lực thúc đẩy đưa Kiến trúc Việt Nam phát triển nhanh đúng hướng bắt nhịp với xu hướng phát triển của kiển trúc thế giới và khu vực”…
Cà phê gió và nước
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã trôi qua. Trong khi kiến trúc thế giới đang mạnh mẽ bước lên đỉnh cao của con sóng “Quốc tế hoá kiến trúc bản địa và bản địa hoá kiến trúc quốc tế” là Kiến trúc bền vững - Kiến trúc sinh thái thì chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc “xây dựng một nền kiến trúc hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc” với những lúng túng không dễ gì tháo gỡ. Bản sắc dân tộc là gì? công trình kiến trúc như thế nào thì được coi là có bản sắc dân tộc? Không ít các nhà quản lý đã đưa ra yêu cầu giới kiến trúc phải chỉ ra “bản sắc kiến trúc Việt Nam” là những chi tiết kiến trúc cụ thể nào: là đầu đao hình rồng, là chi tiết “con nghê”, “con phượng” hay “bậc tam cấp”, “cửa bức bàn”…? để rồi lắp nó vào công trình hiện đại với mong muốn có được ngôi nhà “đậm đà bản sắc”….Đúng là một bài toán không có lời giải, hay nói cách khác là bài toán ra sai đầu bài. Không phải ai cũng có thể hiểu và chia sẻ với ý nghĩa câu nói của Kenzo Tange: “Truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới dạng mới” và “không ai ấu trĩ đem một mái nhà cổ úp lên một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là dân tộc - hiện đại. Cần phải thấu hiểu một cách tường tận, sâu sắc những nguồn gốc hình thành kiến trúc truyền thống. Ở bất cứ nơi nào, kiến trúc truyền thống cũng được tạo dựng thông qua điều kiện thiên nhiên, khí hậu, tập quán sinh họat của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống cần phải nắm bắt và khai thác”
Đã hơn nhiều lần các cây đại thụ trong làng kiến trúc thế giới đã chỉ ra rằng bản sắc kiến trúc là cái mà ta không thể nhìn thấy được, không thể sờ thấy được mà chỉ có thể cảm nhận được, tận hưởng được khi ta liên tưởng xâu chuỗi chúng với lịch sử phát triển văn hoá xã hội…Đúng như điều mà kiến trúc sư Frank Lloyd Wright, thủ lĩnh của trường phái kiến trúc hữu cơ Hoa Kỳ, khuyên các KTS trẻ : “Hãy quên đi mọi thứ kiến trúc trên trái đất này nếu anh chưa hiểu được rằng nó chỉ có thể là tốt đẹp ở tại xứ sở của nó và ở vào đúng cái thời của nó”.
Không phải vô cớ mà giới kiến trúc sư toàn cầu trong Hội nghị kiến trúc sư Thế giới tổ chức tại Bắc Kinh năm 2000 đã đi đến 2 khái niệm, 2 mục tiêu, 2 phương châm hành động là kiến trúc bền vững và kiến trúc sinh thái, xong đều cùng chung một nội hàm là hướng tới sự chung sống thân thiện, bằng thái độ xử sự thông minh và hiểu biết thiên nhiên. Sự phát triển thần kỳ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là vào nửa cuối của thế kỷ XX, đã nâng vị thế của con người trong mối quan hệ với tự nhiên lên một tầm cao đáng kể. Cũng từ đây đã dẫn đến không ít những ngộ nhận, những suy nghĩ lệch lạc, lầm lẫn, những hành động, việc làm đối chọi, thách thức với thiên nhiên trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, kể cả trong xây dựng và kiến trúc, đã dẫn đến những hậu quả không nhỏ, cả trước mắt cũng như về lâu dài, trong phạm vi một quốc gia cũng như phạm vi toàn cầu. Đó là điều mà chúng ta cùng nhiều thế hệ mai sau đang và sẽ phải trả giá. Trong một thời gian dài, kiến trúc hiện đại quá chú trọng kỹ thuật tạo môi trường nhân tạo cho nơi ở mà quên đi việc con người cần phải sống hài hòa với tự nhiên. Hậu quả là phung phí năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Ví như Hoa Kỳ đã tiêu phí 2/3 nguồn năng lượng thế giới, ở châu Âu 50% năng lượng sử dụng cho các tòa nhà hiện đại, 25% cho xe cộ, khủng hoảng dầu mỏ cùng những cảnh báo về nguồn dầu sắp cạn kiệt đã làm cho toàn thế giới và đặc biệt là các nước phương Tây bừng tỉnh. Ngày nay, người ta đã xét lại quan niệm thiết kế kiến trúc, ý thức hơn về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Một trào lưu kiến trúc mới ra đời với viễn cảnh tốt đẹp hướng về tương lai: Kiến trúc sinh thái.
Trong Kiến trúc hiện đại - truyền thống, kiến trúc mới dừng ở mức phản ánh và phù hợp với các yếu tố thiên nhiên (địa hình, khí hậu), tâm lý lối sống của con người bản địa thì ở Kiến trúc sinh thái sự phản ảnh và phù hợp với các yếu tố tự nhiên được nâng lên thành sự giữ gìn và thân thiện với thiên nhiên môi trường (Sinh thái tự nhiên). Còn sự phản ánh và phù hợp với các yếu tố tâm lý, tập quán lối sống được chuyển hoá thành việc gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá, xã hội (Sinh thái nhân văn).
Có thể nói Kiến trúc hiện đại - truyền thống đã bước một bước tiến dài về chất để chuyển hoá thành Kiến trúc sinh thái. Nó đã cuốn hút tâm trí nhiều KTS tài ba danh tiếng của khắp các châu lục.
Các KTS nổi tiếng thế giới như Charles Correa (Ấn Độ), Bruno Stagno (Costa Rica) đã đề ra phương pháp thiết kế theo điều kiện khí hậu của khu vực, đặc biệt là tại các địa phương khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Họ gọi đó là Kiến trúc công nghệ cao của thế giới thứ ba và họ còn coi đây là công cụ hữu hiệu để các nước lạc hậu chậm phát triển đi tắt đón đầu rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Bởi theo họ, Kiến trúc sinh thái đâu có cần thiết bị kỹ thuật cao siêu hoặc tài chính khổng lồ, hùng hậu.
KTS người Malaysia - Ken Yeang chống lại việc đưa tràn lan nhà khối hộp đóng kín, hoàn toàn điều hòa nhiệt độ vào vùng nóng ẩm nhiệt đới. Ông nghiên cứu đưa cây xanh vào kiến trúc nhà cao tầng, tạo hai lớp vỏ bọc cho tường ngoài, mái nhà phủ cây xanh và tấm chắn nắng, sử dụng sân trong tạo thông thoáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, đưa con người gần gũi với thiên nhiên. Đó là các tiêu chí cho kiến trúc cao tầng xanh của ông. KTS Ken Yeang từng nhận định: Phong cách kiến trúc, kỹ thuật thi công và vật liệu xây dựng có thể thay đổi theo thời gian, nhưng yếu tố thời tiết, khí hậu cơ bản không thay đổi. Từ đó đã nảy sinh ý tưởng cho rằng kiến trúc hiện đại phải phù hợp với điều kiện thời tiết và khung cảnh thiên nhiên của khu vực, chứ không phải là kiểu khối nhà hộp với hệ thống điều hòa nhiệt độ khiến cho kiến trúc có bộ mặt chung chung và đặt ở đâu cũng được. Các giải pháp kiến trúc nhà cao tầng chú ý đến yếu tố tác động qua lại của kiến trúc với môi trường xung quanh, bằng việc xác định hướng gió, nắng, các kiểu mái hắt, cách thông gió tự nhiên... Các tổng kết có tính lý luận của Ken Yeang đã đựợc áp dụng rất thành công với những biến thể mở rộng vào các giải pháp kiến trúc có tính sinh khí hậu của các nhà tháp ở Malaysia và Nam Trung Quốc.
Nghiên cứu mối quan hệ của môi trường sinh thái với kiến trúc và con người, ở châu Âu tiêu biểu là KTS Norman Foster. Ông cũng lấy kỹ thuật cao làm hậu thuẫn, lấy sử dụng hợp lý nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái làm xuất phát điểm thiết kế.
Khởi đầu từ việc nghiên cứu cho từng công trình riêng lẻ, Kiến trúc sinh thái đã tiến sang lĩnh vực đô thị sinh thái. Khi thế giới bước vào thế kỷ XXI, rất nhiều kiến trúc sư và nhà lý luận kiến trúc đều gần như nhất trí quan điểm cho rằng: Thành phố của thế kỷ mới phải là thành phố sinh thái, là nơi đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường thiên nhiên và của cuộc sống con người. Trong thành phố sinh thái, các công trình kiến trúc, đặc biệt là nhà ở và nhà công cộng đều nên phản ánh tư tưởng sinh thái, nên trở thành kiến trúc sinh thái. Đó là lời kêu gọi của thời đại, là trách nhiệm to lớn của kiến trúc sư trong thế kỷ mới.
Các nước Bắc Âu là những nước đi đầu trong việc xây dựng các đô thị, thành phố sinh thái. Trong đó không có chung cư cao tầng (nhà trên 9 tầng). Cây xanh và mặt nước hiện hữu khắp nơi trong và ngoài nhà, dưới đất và trên mái nhà. Giao thông đi bộ, xe đạp và xe máy chạy điện là phương tiện giao thông chủ yếu. Chất thải rắn được tái tạo, chất thải hữu cơ được sử dụng để sản xuất điện. Các động cơ và các tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời sẽ thay thế cho các nhà máy nhiệt điện. Có thể lấy các khu ở của thành phố Copenhagen hoặc thành phố Dong Tan –Côn Minh, Trung Quốc làm những ví dụ cho mô hình đô thị sinh thái kiểu mẫu này.
Kiến trúc sinh thái là xu hướng phát triển tiến bộ tất yếu của kiến trúc thế giới xong nó sẽ không thể trở thành kiến trúc quốc tế chung chung cho mọi quốc gia, không đặc trưng, không bản sắc.
Nhìn lại trào lưu kiến trúc hiện đại của những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Lúc đó, kiến trúc hiện đại phát triển tới đỉnh cao, tại hầu hết các quốc gia có nền kiến trúc phát triển đều hình thành cái gọi là xu hướng “kiến trúc quốc tế”, hay còn gọi là “kiến trúc nhảy dù”. Chúng xuất hiện khắp mọi nơi, chúng giống nhau cả về nội dung bên trong và hình thức bên ngoài, bất kể ở nơi đâu, Á hay Âu, trên núi hay dưới biển… Sau đó, kiến trúc Hậu hiện đại ra đời, đưa kiến trúc trở về với những giá trị văn hóa, thẩm mỹ trong quá khứ của kiến trúc bản địa, nhằm tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.
Kiến trúc ngày nay đang lặp lại bước đi ấy theo chiều xoắn ốc của quy luật phát triển, nhưng ở mức độ cao hơn. Một “Thế giới phẳng” đem đến xu hướng kiến trúc hiện đại sinh thái hiện hữu tại các quốc gia trên thế giới. “Hiện đại” là yếu tố của kiến trúc quốc tế - còn “sinh thái” là yếu tố bản sắc đặc trưng của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Như đã nói ở trên “sinh thái” ở đây bao gồm sinh thái tự nhiên (thiên nhiên, khí hậu, môi trường…) và sinh thái nhân văn (con người, văn hóa, xã hội…). Kiến trúc phản ánh một trong hai khía cạnh sinh thái tự nhiên hoặc sinh thái nhân văn đã đủ chứa đựng, khẳng định bản sắc, cái riêng của đất nước ấy, dân tộc ấy rồi. Nếu phản ánh được cả hai khía cạnh sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn thì đó là mục tiêu, là ước muốn của giới kiến trúc sư trên toàn thế giới.
Quay trở lại với nền kiến trúc nước nhà để tìm lời giải đáp cho câu hỏi về xu hướng kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ 21.
Kiến trúc sinh thái chắc chắn là câu trả lời duy nhất đúng. Chúng ta không thể lạc bước và cũng không thể quá tụt hậu trên con đường chung của kiến trúc thế giới. Đây là một công việc rất khó khăn, rất lâu dài, và rất có thể các thế hệ con cháu chúng ta mới có thể nhận dạng khuôn hình của nó, song sẽ không có ngày đó nếu ông cha của chúng không bắt đầu công việc từ bây giờ.
Điểm lại một số công trình, dự án chúng ta có trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận ra xu hướng này qua các vườn treo trên các cao ốc, qua các vườn trống ở tầng 1, nơi giao tiếp với cộng đồng, nơi xóa nhòa ranh giới bên trong và bên ngoài công trình. Những khoảng không giữa hai lớp kính bao che tường ngoài để tăng hiệu quả thông gió tự nhiên theo chiều đứng, những khu vườn đục thông ở các tầng so lệch nhau tạo luồng thông gió tự nhiên theo chiều ngang, những bề mặt hấp thu năng lượng mặt trời và năng lượng gió (vốn là thế mạnh của các nước nhiệt đới) đang gặp thường xuyên trong các đồ án tại các cuộc thi và cả trong một số dự án đang thực hiện. Đó là những tín hiệu đáng mừng trong công cuộc tìm kiếm không biết mệt mỏi một nền kiến trúc Việt có cái riêng để nhận diện, để tự hào...
Một trong những điểm sáng đáng tự hào đó là Võ Trọng Nghĩa, một kiến trúc sư trẻ về tuổi đời xong suy nghĩ về kiến trúc sinh thái và dân tộc truyền thống lại rất già dặn, sâu sắc. Các công trình của anh với vật liệu tự nhiên tre, trúc, rơm, rạ… hồn nhiên mọc lên từ đất, mang đậm tư tưởng sinh thái, “sống” nhờ gió và nước chứ không nhờ máy điều hòa. Chúng làm ta nhớ tới câu nói của Good.A - Nhà nghiên cứu sinh thái người Mỹ: “Cái hồn của công trình kiến trúc phải sinh trưởng một cách tự nhiên từ đất và đậu nhẹ nhàng lên cảnh quan”. Rất nhiều giải thưởng quốc tế có uy tín đã được trao tặng cho các tác phẩm nhỏ về quy mô xong lớn về “tầm vóc” của anh như : Giải Nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế ở Mỹ cho các công trình bằng tre 2007; Giải Bạc Holcim Châu Á Thái Bình Dương 2008; Giải Bạc Holcim Toàn cầu 2009; Giải thưởng Kiến trúc Thế giới IAA 2009 cho “Bar Gió và Nước” và “Trung tâm văn hoá cà phê Trung Nguyên”. Phải chăng đó chính là sự xác nhận Kiến trúc sinh thái là hướng đi đúng đắn của kiến trúc thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, là sự tôn vinh và khích lệ tài năng, sức sáng tạo của KTS trẻ Việt Nam mà Võ Trọng Nghĩa là đại diện tiêu biểu
Tìm một con đường, tìm một lối đi cho sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập của thế kỷ 21 cần một tầm nhìn chiến lược, cởi mở và tích cực, trong đó vai trò định hướng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng một nền kiến trúc tiên tiến hiện đại mang đặc trưng truyền thống dân tộc - Nền Kiến trúc sinh thái Việt Nam
GS.TS.KTS. Nguyễn Việt Châu
Nguồn: Kienviet.net
Nguồn: Kienviet.net
0 Nhận xét