Trên TCNA tháng 3 năm 2011, trong bài “Ảnh chân dung Nghệ thuật”, NCLLPBNA Trần Mạnh Thường có viết: “Khi mới ra đời cách nay hơn 170 năm (1839), nhiếp ảnh chỉ là một phương tiện kỹ thuật ghi hình giúp cho các họa sĩ vẽ tranh. Bởi ngày đó, chưa tìm ra luật phối cảnh, nên việc vẽ tranh phong cảnh, kiến trúc gặp nhiều khó khăn. Ảnh chân dung ngày ấy cũng chỉ là những bức ảnh ghi lại dung nhan một cách chân thực của con người để làm kỷ niệm… Song trong quá trình phát triển, các thế hệ nhiếp ảnh đã không ngừng phấn đấu sáng tạo, đưa nhiếp ảnh trở thành bộ môn nghệ thuật chiếm một vị trí xứng đáng trong đại gia đình nghệ thuật tạo hình…”.
Trong bài viết này, tôi không có ý định tranh luận với nhà NCLLPBNA Trần Mạnh Thường những vấn đề liên quan đến nhiếp ảnh, chỉ xin chép ra đây những vấn đề về luật phối cảnh trong hội họa mà tôi đã tìm hiểu.
Như chúng ta đã biết, từ thời tiền sử, con người đã có nhu cầu ghi lại những hình ảnh mà họ đã thấy được trước thiên nhiên, trong sinh hoạt, trong các nghi lễ quan trọng của đời sống… Có thể nói những bích họa được vẽ trong hang động hàng chục nghìn năm thì nay đã trở nên vô giá. Và trước Công nguyên, người Trung Quốc và Hy Lạp đã khám phá ra những nguyên tắc cơ bản về quang học và kỹ thuật ghi nhận hình ảnh.
Đến thời kỳ Phục hưng, Lorenzo Ghiberti (1378 – 1438) một họa sĩ, kiêm nghệ nhân kim hoàn từng tham gia vào đề án mái vòm của ngôi nhà thờ Florence và phụ trách thực hiện bộ cửa thứ hai bằng đồng cho tu viện Baptistery, về già đã viết tự truyện. Ông không những chỉ ra từng cảnh mà còn nói ra những nguyên tắc chỉ đạo mà ông đã dùng để thực hiện chúng: tiếp cận thiên nhiên, quan sát các tỉ lệ và sử dụng phối cảnh.
Nhà thờ Chính tòa Florence
Một người nữa hầu như đồng thời với Ghiberti, kiến trúc sư Filippo Brunelleschi (1377 – 1446) đa tài không kém. Điều quan tâm của Brunelleschi đối với vấn đề phối cảnh theo phép toán học trong hội họa có lẽ, nói một cách nôm na, nằm ở đằng sau cái vòm trần hình bán trụ trong bức tranh tường của Masaccio – những đường lõm vẫn thấy được và chắc chắn là do Brunelleschi gợi ra niềm cảm hứng nếu không muốn nói là đích thân ông thực hiện…
Dựa vào nghiên cứu của những người đi trước và tính toán khoa học đường đi của ánh sáng, Leonard de Vinci (1452 – 1519) đã tìm ra luật phối cảnh. Theo lý thuyết của Leonard de Vinci thì có ba loại phối cảnh: Đó là phối cảnh đường nét, phối cảnh cho màu, phối cảnh giảm nhỏ. Loại thứ nhất liên quan đến những nguyên nhân của sự thu nhỏ, hay như người ta nói, liên quan tới phép phối cảnh giảm nhỏ của vật khi vật càng đi xa mắt. Loại thứ hai là cách thức mà màu biến đổi khi đi xa mắt. Loại cuối cùng chủ yếu là xác định cách vẽ những vật càng xa càng ít kỹ lưỡng hơn…
Leonard de Vinci cho rằng: “Phối cảnh là cái thắng và là tay lái của hội họa”. Và ông đã chia sẻ: “Họa sĩ thiếu niên trước tiên phải học luật phối cảnh và tỉ lệ của mọi vật, kế đó anh ta phải làm việc dưới sự bảo trợ của một họa sĩ giỏi để tập vẽ cho quen hình tay chân, rồi tập vẽ theo mẫu để vững lòng tin vào những điều anh ta đã học; cuối cùng anh ta phải nghiên cứu những tác phẩm của những họa sư khác nhau trong một thời gian để tập quen với nghề họa”…
Tranh tường và phối cảnh tranh tường “Bữa ăn cuối cùng của chúa Giê-xu với tông đồ” của Leonard de Vinci
Tranh tường “Bữa ăn cuối cùng của chúa Giê-xu với tông đồ” của Leonard de Vinci
Phép phối cảnh tranh tường “Bữa ăn cuối cùng của chúa Giê-xu với tông đồ” của Leonard de Vinci
Đến thế kỷ XVII, Andre Felibien (1619 – 1695), kiến trúc sư và là nhà phê bình nghệ thuật trong cuốn sách “Ý niệm về hội họa hoàn hảo” đã viết về luật phối cảnh như sau: “Có tác giả cho rằng phối cảnh và hội họa là một thứ, vì không thể có hội họa nếu không có phối cảnh. Nói một cách tuyệt đối, mặc dầu ý kiến này là sai vì lẽ rằng hình không thể không có bóng, nhưng không vì thế mà hình với bóng là một; tuy nhiên ý kiến này đúng theo nghĩa là họa sĩ không thể bỏ qua phối cảnh trong mọi giai đoạn vẽ bức tranh, và không có một đường nét nào, không có một nét bút nào mà phối cảnh không tham dự vào một cách thường xuyên. Phối cảnh điều hòa kích thước các hình thể và sự giảm độ đậm của màu ở nơi nào đó của bức tranh mà các hình thể gặp nhau. Họa sĩ bắt buộc phải biết sự cần thiết của phép phối cảnh…”…
Như vậy, có thể kết luận: Ngay từ thế kỷ XV, danh họa thiên tài Leonard de Vinci đã tìm ra luật phối cảnh và những họa sĩ vĩ đại nhất của nước Ý cũng hết sức tin tưởng rằng nếu không có phối cảnh người ta không thể vẽ được một bố cục điều hòa, rằng họ cần hiểu phối cảnh cặn kẽ… Đồng thời, Leonard de Vinci là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng nguyên tắc “hộp tối” để ghi nhận hình ảnh trong quá trình thực hiện những bức tranh của ông thay cho công đoạn phác thảo…
Danh họa Leonard de Vinci ứng dụng nguyên tắc “hộp tối” để vẽ phác thảo
Tóm lại, nói tới sự ra đời của nhiếp ảnh, phải hiểu rõ thoạt đầu nhiếp ảnh được quan tâm đến từ giới hội họa ứng dụng nguyên tắc “hộp tối” thay cho công việc ký họa. Sau đó, công việc ghi hình được một số các nhà phát minh như: Niepce, Daguerre, Godowsky, Eastman, anh em nhà Lumière… quan tâm, nghiên cứu và phát triển không ngoài mục đích ghi hình ảnh cảnh vật, con người nhưng cũng với mục đích ban đầu là sao chép khách quan. Như vậy, mãi đến thế kỷ XIX cho đến giữa thế kỷ XX, cùng với cuộc cách mạng công nghệ, cộng với những tiến bộ về quang học, cơ khí chính xác, chiếc “hộp tối” ngày xưa mới trở thành chiếc máy ảnh nhỏ gọn, xinh xắn, đánh dấu sự ra đời và những bước chuyển mình đồng thời khẳng định vị thế của mình trong đại gia đình nghệ thuật tạo hình của nhiếp ảnh…
Vì vậy, nói như NNCLLPB Nhiếp ảnhTrần Mạnh Thường: “Khi mới ra đời cách nay hơn 170 năm (1839), nhiếp ảnh chỉ là một phương tiện kỹ thuật ghi hình giúp cho các họa sĩ vẽ tranh” là có cơ sở, nhưng lý giải: “… Bởi ngày đó chưa tìm ra luật phối cảnh nên việc vẽ tranh phong cảnh, kiến trúc gặp nhiều khó khăn” là không thuyết phục…
Tài liệu tham khảo:
1. Nghệ thuật hội họa, tác giả Jacques Charpier & Pierre Sesghers (Lê Thanh Lộc dịch)
2. Lịch sử nghệ thuật Phương Tây, tác giả Michael Levery (Huỳnh Văn Thanh dịch)
3. Từ điển Mỹ thuật hội họa thế giới, chủ biên: Tiệp Nhân, Vệ Hải (Trần Khiết Hùng, Nguyễn Hồng Trang dịch)
4. Nghệ thuật là gì? Làm thế nào để hiểu tranh và ảnh?, tác giả Maria Carla Prette & Alfonso De Giorgie, biên soạn: Đặng Thị Bích Ngân
5. Luật xa gần, tác giả Phạm Công Thành
6. Căn bản kỹ thuật Nhiếp ảnh, biên soạn Bùi Minh Sơn