Dạo gần đây nhiều bạn inbox cho Trí Núi trong sự hoảng loạn vì ngày thi sắp đến, bạn sợ "rớt đại học". Hy vọng bài viết này, sẽ có ích cho các bạn.
Thế nào là sợ hãi?
Tôi lấy một ví dụ, gần đây mọi người có một nỗi sợ phổ biến là sợ con virus Corona, vì thế họ tuân thủ quy định ở nhà, học tập và làm việc từ xa (tích cực). Có người sợ quá, dẫn đến suốt ngày lo lắng, bồn chồn, đọc hết tin tức tiêu cực, comment tiêu cực và lan truyền những thông tin ấy, thậm chí là không có nguồn dẫn chứng. Dẫn đến việc bạn bè, người thân bạn ấy phải "bị tra tấn" bởi sự tiêu cực, sai sự thật và bạn ấy phải nhận hậu quả về mặt pháp lý.
Vậy thì, ban đầu bạn sợ điều đó, chỉ vì sợ hậu quả bởi điều đó gây ra (Hậu quả A), thế nhưng, sau một thời gian, chính nỗi sợ có thể khiến bạn phải nhận lấy một hậu quả khác lớn hơn! (Hậu quả A+).
Quy luật ở đây là:
Sợ hậu quả A + thiếu kiểm soát = hậu quả A+
Vậy nỗi sợ "rớt" đại học?
Nhiều bạn sợ rớt nên rất nghiêm túc trong việc học tập từ đó có kết quả tốt. Nhiều bạn sợ rớt đến nỗi mất ăn mất ngủ, cãi nhau với gia đình, tâm lý không ổn định, dẫn đến kết quả thi ở dưới sức học của bạn, làm rớt luôn cả trường Nguyện vọng 2 (Hậu quả A+). Vậy thì trường hợp này, nỗi sợ đã khiến bạn nhận lấy hậu quả lớn hơn hậu quả ban đầu bạn ấy nghĩ đến, lẽ ra bạn chỉ rớt NV1 (Hậu quả A). Nỗi sợ rớt đại học cũng có mặt tích cực nhưng mặt tiêu cực như trên thì tôi đã từng thấy rất nhiều.
Vậy thì làm sao để ngăn chặn nỗi sợ tiêu cực?
Ở đây tôi chỉ tiết lộ một điều đơn giản nhưng không phải ai cũng dám làm. Điều này tôi đã làm mỗi khi tôi sợ hãi và cực kỳ hiệu quả, đó là: nhìn thẳng vào hậu quả, lập kế hoạch dự phòng. Thay vì bạn cứ sợ một hậu quả, thì bạn hãy gọi tên nó, hãy lập kế hoạch nếu như điều ấy xảy ra, ta sẽ làm gì. Nếu bạn làm được, hậu quả đó sẽ không còn quá đáng sợ với bạn nữa đâu. Và nếu điều đó có xảy ra, thì bạn cũng chỉ nhận đúng hậu quả A mà không phải là A+, và bạn đã có sự chuẩn bị cho hậu quả A.Đừng né tránh, hãy nhìn thẳng vào hậu quả!
Bắt đầu ví dụ nhé:
Đối với dịch bệnh, tôi phải đối diện với rất nhiều rủi ro về công việc lẫn sức khỏe, tuy nhiên tôi luôn nhìn thẳng vào hậu quả đó là: Nếu tôi bị F0 thì tôi sẽ làm gì? Tôi tìm hiểu và biết được, một người khỏe mạnh, có sức đề kháng thì virus này sẽ không quá nguy hiểm, do đó tôi đã ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao và sẵn sàng tốt nhất về mặt thể trạng để lỡ nếu như tôi có gặp phải virus. Nếu tôi gặp, tôi có đủ đề kháng, thì tôi sẽ vượt qua được thôi (Vẫn ở hậu quả A). Ngày TP có ca nhiễm đầu tiên, tôi đã lo lắng về công việc kinh doanh của mình sẽ bị ảnh hưởng, do đó tôi đã đặt ra trước các câu hỏi và trả lời: Nếu cơ sở bắt buộc đóng cửa thì ta làm gì? Nếu đóng cửa 1 tháng sẽ có kịch bản gì? Đóng cửa 2 tháng thì sao?. Ngày đầu tiên mà TP công bố cơ sở kinh doanh của tôi phải đóng cửa, tôi đã kích hoạt kịch bản sẵn có mà không có bất kỳ sợ sệt nào (Vẫn ở hậu quả A và tôi có cách giải quyết).
Đối với việc rớt đại học, bạn hãy nhìn thẳng vào tương lai nếu như bạn nhận kết quả rớt, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ sắp xếp nguyện vọng dự phòng là gì? Bạn sẽ học trường NV2 và học thêm lĩnh vực gì để vẫn đạt được mục tiêu nghề nghiệp? Có thể bạn chọn thi lại, vậy trong 1 năm thi lại bạn sẽ có dự định gì? .... Có rất nhiều câu hỏi để bạn trả lời tùy vào trường hợp của bạn, hãy giữ đầu óc tích cực để đối mặt trả lời các câu hỏi đó trước khi bước vào kỳ thi.
Ngày bạn đi thi, dù có rớt chăng nữa thì bạn cũng đã có tương lai dự phòng chắc chắn tốt đẹp rồi, vậy bạn có nên quá lo sợ nữa không?
Lời kết
Cuối cùng, tôi nói điều này có thể sẽ giúp bạn hiểu đúng hơn về kỳ thi đại học, đó là Đại học chỉ là một bước nhỏ trong việc chinh phục 1 nghề nghiệp. Việc chỉ thay đổi một bước đi sẽ không quá ảnh hưởng đến cả một hành trình, miễn là bạn luôn biết mình cần đi đến đâu. Việc phải thay đổi phương án vì một số tình huống phát sinh cũng không thể làm bạn thay đổi kết quả.
2 Nhận xét
Đã nhấp vào, nhưng giờ lại sợ dịch hơn sợ rớt...
Trả lờiXóame too :))
Xóa