Hội An - "Địa thế vàng" cho một thương cảng lừng lẫy

    Hội An là một thương cảng có đặc điểm địa hình – địa mạo hết sức phức tạp, nằm giữa một phức hợp sông ngòi, đầm, bàu dày đặc, tạo thành những “ngã tư nước”. Có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang” Không phải ngẫu nhiên mà "thị" (chợ) và "giang" (sông) luôn song hành cùng nhau. 

1. Sông hình thành chợ và làng

    Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã nói rằng: “Hội An vừa hội nhân vừa hội thủy, vừa cận thị vừa cận giang”. Hội An đã là một đô thị sông nước, do đó sở hữu một "địa thế vàng", vô cùng thuận lợi để hình thành các làng định cư và chợ. “Những cái chợ đầu tiên đều là chợ bến hay là chợ búa (búa là từ Việt cổ chỉ cái bến sông)” - Chợ được hình thành từ sông, có chợ ắt có làng. 


Địa hình, địa mạo phức tạp ở cửa sông Thu Bồn. Nguồn: Nhà báo Lê Anh Dũng 

    Hội An có sông Thu Bồn đổ ra Cửa Đại theo chiều Tây sang Đông. Mặt khác, từ Bắc xuống Nam là dòng sông Cổ Cò (còn gọi là Lộ Cảnh Giang hay Đế Võng) nối liền với Cửa Hàn - Đà Nẵng và dòng sông Trường Giang chảy men dọc theo bờ biển nối với vùng biển Nam qua đầm Trà Nhiêu. Tuy nhiên, không chỉ là sông nước, Hội An còn hội tụ nhiều hơn vậy nữa. 


Nguồn hình: hoianimpression.vn

  2. Cửa biển

    Năm 1618, Borri từng viết “Người ta cập bến bằng hai cửa biển: Một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng ba hay bốn dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm… Tàu bè từ hai phía đi tới cũng đi vào con sông này”. Bên cạnh yếu tố giao thông tiếp cận khá thuận lợi từ hai cửa biển, Hội An còn được nhận định là một “phức hệ sông chằng chịt ở vùng cửa biển”, khiến Hội An xưa không chỉ là một cảng thị mà là một hệ cảng – thị với nhiều cảng và nhiều thị. 


Mô tả hệ cảng thị ở Hội An
Trích tranh: “Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ”. Tác giả: Chaya Shinroku 

 3. Đảo Cù Lao Chàm trấn sơn với nhiều sản vật

    Ngoài biển Đông, Cù Lao Chàm (còn gọi là Chiêm Bất Lao) như một “bức bình phong” hình cánh cung bao bọc cho một Chiêm cảng, Lâm Ấp phố và cũng chính là Hội An ở bên trong. Cù Lao Chàm “là nơi dừng chân thường xuyên nhất và được nhắc đến nhiều nhất của các đoàn thương thuyền quốc tế, trước khi họ tiến vào cảng thị Hội An hay Đà Nẵng để tiến hành trao đổi buôn bán với cư dân Champa ở các cảng thị này”. 
Cù Lao Chàm nhìn từ trên cao. Nguồn: Bnews.vn

    Từ thời Champa, thuyền bè quốc tế bao giờ cũng ghé qua Chiêm Bất Lao, rồi đến thời chúa Nguyễn, hàng năm đều cử quan thông thạo tiếng nước ngoài đi canh giữ Cù Lao Chàm và cửa Hàn (Đà Nẵng), thấy có tàu buôn các nước đến thì phải xét, nếu là tàu buôn bán chịu thuế, đem thuyền trưởng và tài phó tàu vào phố Hội An trình. 

    Có thể thấy, từ thời cư dân Sa Huỳnh bản địa > cư dân Chàm > cho đến cư dân Đại Việt – Đại Nam – Việt Nam đã luôn ý thức xây dựng cơ sở ở Cù Lao Chàm. Một mặt, nơi đây nhiều sản vật cần bảo vệ, khai thác, một mặt là một điểm dừng chân để nghỉ ngơi, buôn bán và tránh bão.  

Cù Lao Chàm - hòn đảo ngọc của miền Trung. Nguồn hình: odt.vn

    Cửa sông, ven biển, có đảo “trấn sơn” và là nơi hội tụ của nhiều nguồn sản vật là một địa thế mà không phải nơi nào cũng có được. Tổ hợp Sông + Biển + Đảo + Sản vật chính là "công thức" hình thành một đô thị thương cảng phồn vinh, tấp nập từ những thế kỷ đầu, sau công nguyên và từ thế kỷ XVI – XIX. 

Một góc cảng thị ở Hội An Xưa. Nguồn: Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Hội An

    “Đặc điểm địa lý tự nhiên này đã có tác động chi phối mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành và phát triển của các lớp, khối cộng đồng dân cư ở đây”. Có rất nhiều điều thú vị về cộng đồng cư dân Hội An, các bạn cùng đón đọc tại Blog HTarch nhé!

    Bài viết có tham khảo nhiều tài liệu chuyên ngành sau đây:

  • Cristophoro Borri (2014), Xứ Đàng Trong 1621, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, NXB Tổng Hợp TP.HCM.
  • Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An.
  • Trần Quốc Vượng (1990), “Vị thế địa – lịch sử và bản sắc địa – văn hóa của Hội An”, Đô thị cổ Hội An, hội thảo quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng 22-23/3/1990, NXB Khoa học xã hội Hà Nội năm 1991.
  • Đỗ Trường Giang (2016), “Hội An Champa trong kỷ nguyên thương mại sớm của Đông Nam Á (900-1300)”, Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng, số 7. 
  • Trần Quốc Vượng (1985), “Chiêm cảng Hội An với các nhìn về biển của Người Chàm và người Việt”, Kỷ yếu hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An 23-24/7/1985, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An năm 2008.

Bài viết: Trí Núi
(Trích từ luận văn nên văn phong có phần nghiêm túc ^^)

Đăng nhận xét

2 Nhận xét

  1. Em rất thik Hội An, chụp hình siêu đẹp :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong quãng thời gian nghiên cứu, mình đã ở đây gần cả tháng, thật là thích, trong kho có n tấm hình.

      Xóa