Chào các bạn, chúng ta lại gặp nhau trong một chuỗi bài viết về hành trình nghề nghiệp. Series Đường chọn nghề tuần này Trí Núi sẽ giúp các bạn định nghĩa đam mê một cách rõ ràng và cụ thể. Để chúng ta không lầm tưởng về đam mê thực sự của bản thân. Có một đam mê đúng thì chúng ta mới chọn ngành đúng được nhé!
Xem toàn bộ: series Đường chọn nghề
Đam mê là thích rất nhiều
Tôi thích khái niệm này, bởi vì chúng rất dễ hiểu và hầu hết con người chúng ta đều có sở thích (tuy chúng chưa đầy đủ). Thế nhưng bên cạnh những sở thích "cả thèm chóng chán", có những thứ lôi cuốn chúng ta hơn bất cứ thứ gì khác. Có thể là viết blog, vẽ tranh, làm mô hình ... thứ mà giết đi thời gian của chúng ta mà ta vẫn cảm thấy rất vui và hài lòng. Mỗi ngày thiếu nó, ta cảm thấy bồn chồn và không thể an lòng, quyết chí phải tìm và làm điều đó cho bằng được.
Bạn có thấy rằng: Đam mê rất giống tình yêu?
Đó chính là hình hài của "đam mê", bạn sẽ tự nguyện đánh đổi rất nhiều thời gian và công sức để được "ở cùng" nó. Không phải bất cứ sở thích nào cũng được gọi là đam mê, chỉ những sở thích theo bạn từ năm này qua tháng nọ và bạn thích chúng rất nhiều.
Chúng ta có ca sĩ Britney Spears, hãy đọc một vài dòng sau miêu tả về cô ấy: "Vào năm 3 tuổi, cô bắt đầu tham dự các lớp học nhảy, thể dục và luyện thanh. Spears đã giành chiến thắng tại nhiều cuộc thi cấp Nhà nước và những chương trình tài năng cho trẻ em lúc bấy giờ", "Spears ký hợp đồng với Jive Records vào năm 1997 ở tuổi 15" (Theo Wiki). Chúng ta đã biết thành công vang dội của Spears sau đó rồi nhỉ, nhưng điều đó không cần thiết phải bàn luận ở đây, hãy chú ý đến sự miệt mài và tận tụy của Spears trong thời thơ ấu - niên thiếu. 15 là độ tuổi mà nhiều người chúng ta còn chưa biết mình thích gì, thì Spears đã đoạt lấy một cơ hội sự nghiệp trong cuộc đời.
"Nhiều người 19 tuổi thậm chí còn chưa bắt đầu làm việc, trong khi Britney có nghề nghiệp toàn thời gian" - theo The Observer
Chắc chắn là cô ấy rất rất thích âm nhạc (rộng hơn là nghệ thuật), tôi không biết dùng bao nhiêu từ "rất" ở đây nữa. Hẳn phải thích rất nhiều thì mới khiến cô ấy dành mọi nỗ lực để theo đuổi con đường nghệ thuật trong suốt chừng ấy năm và đạt được những thành tựu như thế. Bởi tôi biết có rất nhiều người thích hát, nhưng không phải là ai cũng chịu hy sinh cả tuổi thơ, tuổi trẻ để theo đuổi một cách nghiêm túc. Nếu không gọi đó là "đam mê", thì liệu rằng có từ ngữ nào đúng hơn?
Tôi thích xem bóng đá, cũng thích ra sân đá bóng, và tôi cũng rất mến mộ Cristiano Ronaldo. Tôi theo dõi anh này trên truyền hình từ khi anh ấy bị người ta cho là "quá cá nhân và kiêu ngạo" cho đến hôm nay Ronaldo là chủ nhân của 5 Quả bóng vàng châu Âu. Chưa bàn đến thành tích, nếu như bạn theo dõi sự khổ luyện, sự đánh đổi của cầu thủ này trong suốt hành trình sự nghiệp, thì bạn sẽ biết được anh ấy thích bóng đá nhiều đến như thế nào. Hãy thử đọc vài dòng sau đây: "anh được chẩn đoán mắc chứng tim đập nhanh, một tình trạng bệnh có thể khiến anh phải từ bỏ việc chơi bóng. Ronaldo trải qua cuộc phẫu thuật tim, xuất viện vài giờ sau khi phẫu thuật và tiếp tục tập luyện vài ngày sau đó". Không phải ai cũng đủ dũng cảm để bước vào phòng phẫu thuật để được tiếp tục chơi bóng, không phải ai cũng có thể khắc phục được khiếm khuyết ấy để thành công như vậy. Nếu chơi bóng không phải là đam mê của Ronaldo, tôi nghĩ rằng trên đời này sẽ chẳng thể gọi ai đó là đam mê điều gì nữa!
Tôi cũng thích bóng đá, vậy có thể nói là tôi có đam mê giống Ronaldo đúng không?
Đam mê chính là một từ ngữ diễn tả tình cảm với một điều gì đó ở mức độ cao nhất. Không chỉ là thích thú thông qua ánh nhìn, trải nghiệm đơn thuần mà bạn phải hy sinh rất nhiều thời gian, công sức cho điều đó. Nếu như chỉ thích và tận hưởng thôi thì chưa thể gọi là đam mê được. Do đó, tôi không có đam mê như Cristiano Ronaldo, tôi chỉ thích xem anh ta đá bóng và thỉnh thoảng biểu diễn vài động tác bắt chước anh ấy.
Dễ dàng nhận thấy, có người thích nghe nhạc, thích hát, có người thích xem đá bóng, thích được chạy trên sân đá bóng... Tuy nhiên, trong số họ không phải rằng ai cũng đam mê âm nhạc, đam mê bóng đá. Do đó, nếu chỉ là thích, chưa phải là thích một cách tột độ, chưa dám hy sinh mọi thứ vì điều đó, thì chưa thể khẳng định mình đam mê. Đặc biệt hơn, đừng vội lấy sở thích đó để làm cơ sở cho việc chọn nghề nghiệp.
Nếu mới thích thôi, đừng vội kết luận đó là đam mê, phải thích rất nhiều!
Đam mê là giỏi thực sự
Đây có lẽ sẽ là một góc nhìn mà bị nhận lấy nhiều sự phản đối nhất. Bởi các bạn đã chứng kiến rất nhiều (nhất là trên phim ảnh) những nhân viên văn phòng giỏi, rất giỏi nhưng họ luôn cảm thấy công việc của mình tẻ nhạt và than phiền. Ở đây tôi đang nói đến mệnh đề: "Đam mê thứ gì đấy tức là họ giỏi lĩnh vực ấy", tôi không nói mệnh đề ngược lại: "Họ giỏi điều đó, nên kết luận rằng họ đam mê", đảo ngược lại thì ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác nhau đó. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự giỏi một lĩnh vực nào đó thì xác suất đó chính là đam mê của bạn sẽ rất cao.
Nếu bạn giỏi một việc gì đó, có khả năng cao là bạn đam mê nó!
Quay lại ví dụ về Britney Spears và Cristiano Ronaldo, bạn có thấy họ rất giỏi không? Chúng ta không thể chối cãi điều này, họ giỏi hát, giỏi đá bóng vì họ đam mê chúng. Khi bạn thực sự Đam mê một điều gì đó, chắc hẳn bạn đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho điều đó, bạn thích chúng một cách tột độ, bạn có quá trình nỗ lực và hy sinh mọi thứ vì chúng, nên bạn mới có thành tích như ngày hôm nay. Đam mê điều gì, ắt sẽ giỏi điều ấy, nếu chưa giỏi có thể gọi là "chưa đủ đam mê", tuy nhiên, nếu bạn vẫn đã và đang tiếp tục hướng đến việc giỏi điều đó, bạn có thể gọi đó là "theo đuổi đam mê". Tức là, bạn chưa sở hữu được "đam mê", và bạn cần phải theo đuổi. Hành trình theo đuổi đam mê, đã biến một cô bé 3 tuổi trở thành một Britney Spears. Chẳng phải đam mê mang đến năng lực thực sự sao?
Nếu chưa đủ đam mê thì ta theo đuổi đam mê!
Tôi có thể ví dụ về bản thân mình, các bạn đừng cười nhé, tôi không cố so sánh mình với Spears hay Ronaldo, tôi chỉ muốn bạn có thêm một góc nhìn từ một người gần với các bạn hơn. Từ nhỏ tôi đã thích chia sẻ, truyền đạt, hướng dẫn, tôi rất vui khi chứng kiến ai đó hiểu và làm được những gì tôi chỉ. Tôi có thể dành cả ngày để nghiên cứu và hướng dẫn cho bạn tôi một trò chơi, một môn học hay một hoạt động ngoại khóa, lúc ấy khá nhiều người bảo tôi là bao đồng. Lớn lên, nhờ thời gian tôi trải nghiệm nhiều với việc hướng dẫn cho người khác, tôi được mọi người nhận định là "có năng khiếu" trong nghề sư phạm.
Thực sự thì đó có phải là năng khiếu?
Người ngoài chỉ thấy kết quả tôi đạt được mà không thấy nỗ lực của tôi trước đó. Ngay cả mẹ tôi cũng thốt lên một câu rằng: "Con có khiếu sư phạm quá!" ngay khi chứng kiến tôi hướng dẫn môn vật lý cho một đứa em nhà hàng xóm. Tôi chưa từng bao giờ nghe từ mẹ tôi câu nào tương tự trước đó, hẳn là mẹ tôi rất bất ngờ khi tôi thể hiện điều này. Tôi đã nỗ lực và giỏi lên sớm hơn so với hầu hết bạn cùng trang lứa ở riêng lĩnh vực sư phạm. Và sau này, kể từ năm tôi 19 tuổi, tôi đã nhận việc gia sư kiếm tiền, 20 tuổi, tôi đã bắt đầu những bước đầu tiên để tạo dựng nên một trung tâm đào tạo. Tôi đã dành phần lớn thời gian theo đuổi con đường sư phạm và huấn luyện, chính nghề này đã mang lại cho tôi cuộc sống hôm nay.
Có vẻ như viết đến đây, bạn đã hiểu được phần nào vì sao người ta hay khuyên chúng ta nên chọn nghề theo đam mê, nên theo đuổi đam mê rồi chứ? Vì đam mê mang lại cho chúng ta sự thõa mãn về tinh thần cũng như biến chúng ta trở thành một người giỏi thực sự.
Từ đó ta có công thức sau:
Đam mê = sở thích + năng lực
Chúng có vẻ rất logic và không hề mâu thuẫn với nhau nhỉ, khi bạn mà thích tột độ điều gì, bạn mày mò, bạn thực hiện thì bạn sẽ giỏi lên. Càng giỏi, bạn càng được công nhận, bạn lại càng thích thú.
Nếu bạn đang có một sở thích, hãy cố gắng trau dồi năng lực thật tốt, nếu bạn đang có sở trường về một lĩnh vực nào đó, hãy tìm điều bạn thích nhất trong lĩnh vực ấy. Đó chính là đam mê, là cơ sở để bạn bắt đầu hành trình chọn nghề của mình.
Bài tập:
- Hãy nêu ra 3 điều bạn thích làm nhất?
- Hãy nêu ra 3 việc mà người khác khen bạn giỏi nhiều nhất?
- Hãy thử xem chúng có "match" với nhau không nhỉ?
Bài viết: Trí Núi - Series Đường chọn nghề
5 Nhận xét
Năm nay em 23 tuổi, và mới bắt đầu tìm đam mê thì có muộn không anh?
Trả lờiXóaSẽ là muộn nếu không là ngay bây giờ. Em cứ mạnh dạn tìm ra đam mê thực sự, đó chính là điều quý giá trong cuộc sống. Việc chinh phục điều đó thì có thể cần có một kế hoạch dài hơi, thế nhưng trước hết phải xác định được đam mê.
XóaNhư trong bài viết, hành trình đi đến đam mê mang lại cho chúng ta nhiều năng lực ý nghĩa, vậy đâu có lý do gì mà ta không chịu bắt đầu hành trình đó?
Nếu có quá nhiều thứ mình thik thì đâu mới là đam mê z?
Trả lờiXóaNếu nhiều quá thì không thể gọi là đam mê được, giống như chỉ chọn 1 người để cưới trong số nhiều người mình thích.
XóaThứ bạn giỏi nhất, được nhiều người khen nhất + thứ bạn thích nhất.
Xóa