DẠY VẼ - Sự khác nhau giữa DẠY HỌC và TRUYỀN ĐẠT KINH NGHIỆM

Đều là cùng truyền đi kiến thức mỹ thuật, giúp người học có được những kỹ năng vẽ tốt hơn, nhưng lại có sự khác biệt lớn giữa “dạy học”“truyền đạt kinh nghiệm”, các bạn sẽ phân biệt được dựa trên các đặc điểm sau đây: 

Về nội dung:

  • “Dạy học” sẽ tập trung truyền tải các khái niệm lý thuyết, kỹ năng lĩnh vực hội họa.
  • “Truyền đạt kinh nghiệm” tập trung vào việc chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, các quy tắc không được ghi nhận chính thức và những bài học xương máu bên lề rút ra từ quá trình học vẽ của chính bản thân người truyền đạt. 
(Minh họa: "Dạy học" - Nguồn hình: Adobe Express)

Về cấu trúc:

  • “Dạy học” thường tuân theo một cấu trúc học tập và chương trình giảng dạy chặt chẽ và cụ thể. Ví dụ: Bài 1 phải vẽ khối A, Bài 2 phải vẽ khối B; Phần màu sắc phải học XX buổi, phần cách điệu phải học YY buổi. Hay về không gian lớp học chì phải thiết kế theo layout A, không gian lớp học màu phải theo layout B…
  • “Truyền đạt kinh nghiệm” có thể linh hoạt hơn và không tuân thủ một kế hoạch học tập cụ thể, thường dựa trên kinh nghiệm và sự linh hoạt của người chia sẻ kinh nghiệm. Ví dụ: Thấy bạn A vẽ khối lập phương ổn: “tôi nghĩ chưa cần học phối cảnh cũng đủ để vẽ bài tiếp theo” (dựa trên việc người truyền đạt lúc trước cũng không cần học phối cảnh sớm). Còn bạn B bài vẽ khối lập phương sai: “tôi sẽ nói kỹ hơn về phối cảnh”.

Về mục tiêu:

  • Dạy học thường nhằm giúp sinh viên hoặc học sinh đạt được mục tiêu học tập cụ thể: Đạt điểm 7,8 trong kỳ thi năng khiếu, hoàn thành phần giải đề trong 4 tháng, vững phần kiến thức cơ bản trong 1 tháng đầu tiên…
  • “Truyền đạt kinh nghiệm” thường nhằm giúp người tiếp nhận có được cái nhìn sâu hơn về môn vẽ, từ đó giúp họ phát triển bản thân và tránh những sai lầm đã được chia sẻ từ người đi trước. 
(Minh họa: "Truyền đạt kinh nghiệm" - Nguồn hình: Adobe Express)

Việc một bạn vẽ giỏi, mở ra một lớp học vẽ thông thường giai đoạn đầu sẽ có thiên hướng “truyền đạt kinh nghiệm” nhiều hơn, vì cần rất nhiều thời gian để thiết kế một chương trình mà thời điểm ban đầu không thể đáp ứng nổi. Bên cạnh đó, nếu chỉ có duy nhất 1 người thì không đủ khách quan để có thể xây dựng ra một chương trình học có tính chuyên môn hoàn chỉnh, đó phải là thành quả của cả một đội ngũ có chuyên môn. Điển hình như giáo viên các cấp hiện nay vẫn phải dạy dựa trên chương trình của bộ giáo dục đó thôi, hiếm có giáo viên đủ khả năng tự soạn từ A-Z một chương trình môn học nào đó. Đó cũng là lý do khiến nhiều thầy cô dạy vẽ lâu năm hiện nay vẫn chỉ có thiên hướng “truyền đạt kinh nghiệm” là chính.

Theo quan điểm của mình, dạy vẽ phải đồng thời cả “dạy học” lẫn “truyền đạt kinh nghiệm” mới mang lại hiệu quả tốt nhất cho người học. Mục đích để vừa đảm bảo được sự chặt chẽ của một chương trình học mỹ thuật chuyên nghiệp, đảm bảo mục tiêu đầu ra, vừa có sự linh hoạt chia sẻ nhiều bài học xương máu từ những trải nghiệm của chính người dạy.

Nếu bạn đang theo đuổi con đường giảng dạy mỹ thuật có thể tham khảo góc nhìn bên trên của mình cho các dự định cải tiến.

Nếu bạn đang chuẩn bị học vẽ có thể căn cứ để chọn cho mình một môi trường học tập phù hợp.

P/s: Góc nhìn cá nhân của Trí Núi.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét