Vài dòng suy tư về nghề dạy học của Trí Núi

Đọc lại vài dòng nhật ký năm 2019, có một bài tôi rất thích, bởi khoảnh khắc viết nó chính là lúc tôi lĩnh hội được nhiều điều liên quan đến sự nghiệp của mình. Cả cuộc đời con người, có khi chỉ cần vài lần "giác ngộ" như thế là nhiều. Hãy cùng đọc nhé! 




Có lẽ năm nay là năm mà tôi thực sự thấy thời gian tôi mau, tôi có nhiều giờ giảng trên lớp hơn và cũng chính nhờ đó, tôi mới phát hiện ra nhiều điều. Ở bản thân tôi cũng như là nghề dạy học. Một bài viết dài và những điều lủng củng được liệt kê, lủng củng như lần đầu đi dạy, lần đầu học về nghề dạy và lần đầu thử nghiệm những điều được học. Giờ đây là lần đầu viết với tất cả những gì tự nghĩ trong đầu, hoàn toàn là từ trải nghiệm mà không hề có một cuốn sách hay tài liệu nào để tham chiếu. Thôi thì cứ bắt đầu.

  1. Việc dạy học không đơn thuần là truyền đạt kinh nghiệm với sự nhiệt tình có thừa. Dạy học cần tư duy khoa học và nghệ thuật tâm lý của người Thầy.
  2. Truyền cho trò kinh nghiệm của ta hôm qua chưa chắc đã phù hợp với trò ở tương lai, đừng truyền đi một cách nguyên bản như chép 1 file từ máy tính này sang máy tính khác. Thay vào đó hãy tạo cho trò trải nghiệm, rồi tự trò sẽ rút ra kinh nghiệm.
  3. Đừng cố làm mọi kiến thức trở nên hàn lâm, cao siêu và hào nhoáng để nâng tầm Thầy. Hãy cho trò thấy kiến thức đó bổ ích như thế nào với bản thân trò, rồi tiết lộ những điều thật giản đơn bằng chính ngôn ngữ phù hợp với trình độ của trò hiện có.
  4. Dạy học cũng có thể là không dạy gì cả, mọi thứ trò có thể tự học được từ môi trường giáo dục đã được thiết kế sẵn.
  5. Hãy để trò lớn lên bằng những câu hỏi, bằng cách tôn trọng và lắng nghe từng câu hỏi. Hãy biết cách nói lời cảm ơn trước mỗi câu hỏi mà trò đưa ra.
  6. Cũng đừng cố tìm cách trả lời hoàn hảo các câu hỏi mà trò đặt ra, chỉ nên đáp ứng 80% nhu cầu tò mò của trò đang có, để giữ cho trò ngọn lửa đang khát khao khám phá.
  7. Hãy dạy học bằng chính bộ não trong đầu học trò, đừng cố giảng giải đơn phương mà hãy đặt câu hỏi và kích thích trò trả lời.
  8. Bạn có thể la mắng trò khi trò cố tình phạm sai lầm nhiều lần, thế nhưng hãy đảm bảo rằng bản thân mình đang lớn tiếng trong tỉnh táo.
  9. Dạy học cần sự nghiêm khắc, nhưng đúng hơn là nghiêm minh, tức là trước hết phải công bằng giữa trò và thầy trong một nguyên tắc chung. Trò không được đi trễ, thì Thầy cũng không đi trễ ..v..v
  10. Bạn là thạc sĩ, tiến sĩ hay là giáo sư gì chăng nữa cũng không quan trọng bằng việc bạn xem mình là chính trò, cùng trình độ, cùng nỗi băn khoăn, cùng ngồi học với trò... mới là vai trò của người Thầy.
  11. Cho dù muốn hay không muốn, Thầy cũng sẽ trở thành hình "mẫu" ảnh hưởng đến nhân cách của trò.
  12. Đừng cố bám chặt một quan điểm, hãy buông đúng lúc. Buông không có nghĩa là bỏ, mà là lùi ra xa khỏi dòng suy nghĩ đang có, để nhìn nhận lại vấn đề. Cũng tránh nhảy đến kết luận vội vã, hãy để cho trò có thời gian suy ngẫm.
  13. Dạy học thì thầy và trò cần xây dựng tình cảm, đó là tình người, tình thầy trò. Có như vậy thì mới cùng chung nổi trăn trở, chung niềm hào hứng, việc chiếm lĩnh một kiến thức sẽ dễ dàng hơn. Với quan điểm xem việc dạy chỉ là việc bán đi một sản phẩm dịch vụ thôi, thì cũng nhớ rằng ngày nay, khi bán hàng, người bán cũng cần phải có tình cảm với người mua nữa là...
  14. Trí thông minh, năng khiếu là không cố định, nó sẽ thay đổi phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người. Trò càng nỗ lực thì sẽ càng thông minh và năng khiếu. Hãy làm cho trò tin điều đó. Đừng khen trò giỏi - tốt - thông minh, hãy khen trò có cố gắng. Đừng chê trò dốt - ngu - lười, hãy khích lệ ở một điểm nổi trội của trò và nhắc nhở nếu nỗ lực hơn sẽ ... hãy thật cụ thể thay vì câu nói "cậu học tệ quá".
  15. Dạy học cũng như gieo một hạt giống, có thể là 5,10 hay 100 năm nữa ta mới thấy được kết quả, và cũng có thể đó là hậu quả. Làm Thầy khó lắm, nhưng yêu sẽ làm được.

Năm 2019 đã bắt đầu, hy vọng cuối năm sẽ có nhiều điều hay để kể.

Trí Núi viết năm 2019 - 29 tuổi. 


Đăng nhận xét

0 Nhận xét