Đường Chọn Nghề 4: Đam mê thôi liệu có đủ?

Chắc bạn sẽ thấy câu nói này rất quen: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.” – Câu nói nổi tiếng từ bộ phim "Ba chàng ngốc" đã truyền cảm hứng cho không ít bạn trẻ. Trong các bài viết trước, Trí Núi có nhấn mạnh về tầm quan trọng của đam mê – điều bạn yêu thích và điều bạn làm tốt. 



Tuy nhiên, đam mê chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn. Để sống một cuộc sống ý nghĩa, bạn cần kết hợp đam mê với các yếu tố khác như Chuyên môn, Sứ mệnh, Sự nghiệp. Hãy cùng khám phá những điều còn thiếu với mô hình Ikigai và cách mà bốn yếu tố này tương tác với nhau.

1. Chuyên môn (Vocation) – Điều bạn làm tốt và được trả công

Chuyên môn là sự kết hợp giữa khả năng và việc bạn có thể kiếm được thu nhập từ nó. Đây là yếu tố nền tảng để duy trì sự nghiệp dài lâu trong bất kỳ lĩnh vực nào. Chuyên môn cấu thành từ một việc mà bạn có khả năng từ khá đến tốt, và bạn được trả tiền cho việc đó. Có thể bạn sẽ được trả tiền cho một số công việc mà bạn không thực sự giỏi như bạn đá bóng bán chuyên và được trả tiền, nhưng đó chưa phải là thế mạnh chuyên môn của bạn, bạn vẫn còn ở rất xa so với một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Ví dụ: Một nhà thiết kế giỏi công cụ phần mềm lẫn tư duy, có thể tạo ra các sản phẩm vừa thẩm mỹ vừa phù hợp với phân khúc khách hàng nên đã nhận được nhiều đơn đặt hàng.

Trí Núi gợi ý: Để tìm ra chuyên môn, bạn cần thương mại hóa đam mê của bạn! 


2. Sứ mệnh (Mission) – Điều xã hội cần và là sở thích của bạn


Sứ mệnh là khi bạn làm điều mình yêu thích và đồng thời tạo ra giá trị mà xã hội cần. Tuy nhiên, không phải lúc nào sứ mệnh cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định, như trong các hoạt động thiện nguyện, tình nguyện tại các tổ chức phi lợi nhuận.

Ví dụ: Một nhà thiết kế đồ họa có thể dùng kỹ năng của mình để tạo ra ấn phẩm truyền thông cho các chiến dịch bảo vệ môi trường. Dù công việc này giúp hoàn thành sứ mệnh, nhưng không mang lại thu nhập lâu dài. Trí Núi có tạo ra những CLB đọc sách vì mình yêu đọc sách, và cũng có rất nhiều bạn bè, người thân mong muốn được gia nhập câu lạc bộ để sinh hoạt, tuy nhiên việc này chỉ giúp mình thỏa mãn về mặt tinh thần.

Trí Núi gợi ý: Để tìm được sứ mệnh, bạn hãy biến đam mê thành những hành động cụ thể mang lại giá trị cho mọi người xung quanh. 


3. Sự nghiệp (Profession) – Điều bạn có thể được trả công và xã hội cần giá trị của nó

Sự nghiệp là khi bạn làm điều gì đó để tạo ra giá trị cho xã hội, đồng thời đảm bảo thu nhập ổn định. Điều này khác với sứ mệnh ở chỗ, sự nghiệp giúp bạn duy trì được cuộc sống dù bạn có thích hay không công việc hiện tại.

Ví dụ: Một kiến trúc sư yêu thích sáng tạo những hình khối bay bổng, những công trình phóng khoáng. Nhưng thực tế, phải đảm bảo các thiết kế của mình phù hợp với nhu cầu khách hàng trong đô thị, tuân thủ các quy định kỹ thuật, và khả thi về mặt tài chính. Điều này giúp người kiến trúc sư duy trì sự nghiệp ổn định và phát triển lâu dài.

Trí Núi gợi ý: Muốn có sự nghiệp, bạn hãy biến công việc hiện tại thành công việc mang lại giá trị lớn hơn cho xã hội hoặc ngược lại, biến những giá trị bạn xây dựng cho xã hội thành một nguồn thu nhập đều đặn.

Đam mê thôi chưa đủ – Ikigai sẽ một trong những gợi ý tham khảo

Đam mê là điểm khởi đầu, nhưng để xây dựng một sự nghiệp bền vững và cân bằng bạn cần thêm ba yếu tố khác: Chuyên môn, Sứ mệnh, và Sự nghiệp. Khi bạn tìm ra sự giao thoa giữa cả bốn yếu tố này, bạn sẽ đạt đến trạng thái Ikigai – nơi cả cuộc sống và sự nghiệp đều rất ý nghĩa.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một mô hình, liệu rằng chúng ta sẽ còn có những yếu tố nào khác ngoài đam mê để thành công? Đón đọc các tập tiếp theo của Series Đường chọn nghề nhé!



Đăng nhận xét

0 Nhận xét